1

Bánh trưng tranh khúc

Làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) từ bao đời nay được biết đến là nơi có sản phẩm bánh chưng với hương vị thơm ngon đặc biệt.
Hiện nay, nghề làm bánh chưng gia truyền đang là nghề chủ đạo để địa phương này phát triển kinh tế. Chúng tôi về làng Tranh Khúc vào dịp gần ngày rằm, thời điểm mà người dân trong làng tất bật chuẩn bị những mẻ bánh chưng.

Tại nhà bà Trần Thị Thịnh, một trong những gia đình có nhiều thế hệ làm bánh chưng có tiếng của làng, chúng tôi được chứng kiến những người Tranh Khúc từ già đến trẻ đang gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, sắc cạnh, đều tăm tắp mà không cần khuôn.

Bí quyết làm bánh chưng ngon của làng Tranh Khúc là người làm phải rất cầu kỳ từ khâu chọn lá, gạo và đỗ. Công đoạn quyết định đến hương vị của bánh chính là việc chọn gạo. Người Tranh Khúc thường chọn mua gạo Hải Hậu ở Nam Định rồi vo sạch, ngâm ngập trong nước cùng 0,3% muối trong thời gian khoảng 12-14 giờ, sau đó vớt ra để ráo.

Cùng với đỗ xanh đồ chín và giã nhuyễn, thịt lợn được luộc chín tới sau đó ướp muối, hạt tiêu, người gói bánh chưng Tranh Khúc sẽ chỉ mất chưa đầy 30 giây để gói xong một chiếc bánh chưng.

Sau khi gói xong, bánh được chuyển vào bếp và xếp lên nồi luộc. Mỗi nồi lớn chứa khoảng 100 chiếc bánh, thời gian luộc từ 8-10 tiếng đồng hồ mới đảm bảo bánh chín đều.

Trước kia kinh tế khó khăn, người làng Tranh Khúc chỉ sử dụng bếp than để luộc bánh nhưng đến nay, cả làng đã chuyển sang luộc bánh bằng bếp điện ba pha để đảm bảo sức khỏe. Theo anh Trần Nam Trọng, người có kinh nghiệm làm bánh chưng hơn 20 năm, công đoạn vớt bánh cũng phải tùy vào thời tiết mà có cách xử lý bánh khác nhau.

Nếu trời nồm thì không thể nhúng bánh vào nước lã ngay sau khi bánh chín, chỉ trời rét mới được rửa qua nước lã cho sạch bánh. Sau đó, bánh được cho lên sàn, phơi khô ráo rồi đóng gói và vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Khúc (gồm làng Tranh Khúc và Văn Yên), ông Nguyễn Đăng Ngữ, đến nay bánh chưng của làng Tranh Khúc được gói đem bán vào tất cả các tháng trong năm và đã trở thành nghề làm kinh tế chính của người dân.

Vào những ngày rằm, mỗi gia đình phải gói đến 2-3 tạ gạo, bánh đem bán với giá 25.000 đồng mỗi chiếc. Đến nay, Tranh Khúc có hơn 200 hộ làm nghề này, bình quân thu nhập mỗi tháng của người dân trong làng nhờ nghề bánh chưng là năm triệu đồng một người.

Hiện Ủy ban Nhân dân xã Duyên Hà đang định hướng kết hợp tuyến du lịch sông Hồng với làng nghề nhằm quảng bá hình ảnh, thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc.
Gạo nếp quýt đỏ được người làng Tranh Khúc mua tận Hải Dương sử dụng gói bánh chưng. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ/Báo ảnh Việt Nam)
Lá được bó lại, bảo quản nơi mát để không bị héo khi gói bánh không bị mất màu xanh. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ/Báo ảnh Việt Nam)
Thịt chọn làm nhân gói bánh phải là thịt lợn vai tươi, ướp tẩm gia vị trước khi gói bánh. Nhân bánh gồm đậu xanh quê vỏ đỏ thêm nhân thịt nặn tròn đều đem gói bánh. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ/Báo ảnh Việt Nam)
Khi gói bánh, gạo nếp được đổ trên lá bánh cho nhân bánh rồi cho hết bát gạo. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ/Báo ảnh Việt Nam)

Chị Hà Thị Hiền ở làng Tranh Khúc là người có thể gói 170 chiếc bánh trong một tiếng đồng hồ. (Ảnh: Trịnh Văn Bộ/Báo ảnh Việt Nam)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét